Cá đối
Cá đối rất phổ biến ở nước ta, sống chủ yếu ở vùng nước mặn miền duyên hải và một số cửa sông lớn. Cá này đẻ rất nhanh, vòng đời ngắn nên ưu điểm là ít khi bị nhiễm độc tố. Đặc biệt, cá đối rất tốt cho sức khỏe, giúp cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính, ích khí, giúp người cao tuổi và người mới ốm dậy nhanh phục hồi hơn. Với nguyên liệu này, chị em có thể làm món cá đối kho lạt, cá đối kho me, cá đối nướng mọi, kho nghệ…
(Hình minh họa - Nguồn: thuyhaisan.com)
Cá hố
Cá hố có thân mỏng, dài, không có vảy, da bóng sáng như gương, rất phổ biến ở nước ta và các nước châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc... Loài này sống ở các vùng biển sâu, được đánh bắt ngoài tự nhiên. Vì cá hố có giá rẻ lại giàu axit béo loại omega-3 nên hay được các mẹ nội trợ mua về để làm các món nướng hoặc kho.
Cá chim biển
Nếu nhìn thoáng qua thì cá chim biển có hình dạng khá giống với cá chim nước ngọt nhưng khác ở chỗ nó to hơn, mình không có vảy. Thức ăn của cá chim biển là sứa, các loại cá nhỏ… chúng được đánh bắt ngoài biển. Cá chim biển rất tốt cho sức khỏe của cả người già lẫn trẻ nhỏ vì các hàm lượng chất béo cao (chủ yếu là axit béo không no), canxi, photpho, selen…
Cá cơm
Cá cơm có ở vùng biển từ Bắc vào Nam của nước ta; chứa rất nhiều khoáng chất, protein, axit béo omega - 3, vitamin, cholesterol tốt cho tim mạch… Vòng đời của cá cơm cũng rất ngắn nên ít chứa độc tố. Đặc biệt, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã xếp cá cơm vào trong danh sách các loại cá tốt nhất hồi tháng 7 năm 2019.
(Hình minh họa - Nguồn: Internet)
Cá mòi
Nhược điểm của cá mòi nhiều xương dăm, vì thế nó không phù hợp cho đối tượng là người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nó có ưu điểm là xương nhỏ, nhiều thịt, chứa hàm lượng canxi cực kỳ cao, giàu DHA và vitamin D. Không những thế, cá mòi rất ít thủy ngân, sạch sẽ. Có lẽ vì những nguyên nhân này mà người Nhật rất thích ăn cá mòi. Mẹ có thể làm món cá mòi kho rục cả xương ăn rất tốt đấy ạ.